Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, bên cạnh những lo lắng và bi quan về lãi suất và lạm phát, kinh tế Việt Nam vẫn có những thuận lợi và cơ hội nhất định.
Cụ thể, từ tháng 9 đến tháng 12/2022, những khó khăn xuất hiện như lãi suất cao, kẹt tín dụng,... không phải từ chính sách mà từ bất ổn của cách sử dụng vốn để từ đó kiểm soát từng bước uyển chuyển, không gây ra các cú sốc như giai đoạn 2011-2012.
Ông Hiển cho rằng, những lo lắng từ hệ thống ngân hàng, kể cả trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước được kiềm chế, nên điểm xấu của lãi suất, tín dụng cuối năm nay thì ở năm sau sẽ được tháo gỡ.
Theo ông Hiển, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý 1 và trở về ổn định vào cuối quý 2-2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý 2 trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý 1, quý 2-2023 và sẽ phục hồi tăng vào quý 3.
Bức tranh kinh tế, bất động sản được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực khi bước sang năm 2023.
Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý 2-2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý 3, với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ.
“Tháng 6/2023 sẽ là thời điểm tươi sáng trong đầu tư mọi lĩnh vực, kể cả bất động sản. Hết quý 3 thị trường sẽ ổn định. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý 4-2023 tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh”, ông Hiển dự báo.
Theo ông Hiển, dù có nhiều nhà đầu tư đang ôm đất và khó khăn nhưng để phát triển bền vững thì thị trường bất động sản phải là một thị trường hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững, chứ không phải tăng nhanh như giai đoạn 2020 – 2022, mà phải tăng trưởng ổn định, thậm chí chậm hơn một chút so với tăng trưởng kinh tế.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty dữ liệu WiGroup cho biết, hiện tại dòng tiền đang chịu áp lực lớn. Tổng cung tiền trong nền kinh tế đi ngang và giảm nhẹ cả năm qua. Tuy nhiên việc thắt chặt này là không tránh khỏi trước hàng loạt áp lực đến từ bên ngoài.
Nhưng năm sau tình hình sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý 2-2023. Theo ông Báu, lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm, mọi thứ sẽ đễ thở là “ánh sáng cuối đường hầm” sau một năm đầy khó khăn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản đã gặp khó khăn từ tháng 7/2015 cho đến nay do yếu tố lớn nhất là vướng mắc các các quy định pháp luật. Vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, từ 1/7/2015 cho đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn tiền hỗ trợ của ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất để mua được nhà ở xã hội với lãi suất 4,8% từ 2022 trở về trước và 5% bắt đầu từ năm 2023.
Bên cạnh những vướng mắc về pháp lý, thị trường bất động sản cũng gặp vướng mắc về mất cân đối sản phẩm cùng một số yếu tố tác động khác như khó tiếp cận tín dụng, thị trường trái phiếu....
“Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, thị trường phải hướng về nhu cầu thực. Nhu cầu thực không chỉ là nhà vừa túi tiền, nhà cao cấp cũng có nhu cầu thực nhưng phải hợp lý chứ không phải như trường hợp TP.HCM, có đến 80% là nhà cao cấp, trong khi đó không có nhà vừa túi tiền”, ông Châu cho biết.
Để giải quyết vướng mắc về pháp lý, Ban chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết 18 yêu cầu hết năm 2023 phải sửa đổi xong Luật Đất đai và một số Luật liên quan để đảm bảo đồng bộ, trong đó có Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… 3 Luật này sẽ được thông qua trong cuối năm 2023 và có hiệu lực từ tháng 1/7/2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương đầu tháng 1/2023 sẽ họp kỳ họp bất thường lần thứ hai để giải quyết các vấn đề nóng và bất động sản cũng đã được đề nghị đưa vào trong kỳ họp. Chính phủ trong 2 năm vừa qua đã tổ chức 18 cuộc họp chuyên đề về pháp luật để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có các chỉ đạo trực tiếp để giải quyết những vướng mắc khó khăn của bất động sản
“Tháo gỡ vướng mắc pháp lý sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn bền vững, hướng về nhu cầu thực”, ông Châu cho biết.
Hotline
0385.28.28.28
Góp ý
0385.666.666
TRỌN CHỮ TÍN - VẸN CHỮ TÂM
CÔNG TY CỔ PHẦN ABTLAND
Mã số doanh nghiệp: 5400535672
Thị Trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình
TRIẾT LÝ KINH DOANH CỦA ABT
THẬT TÂM - TRUNG THỰC - CÔNG KHAI - MINH BẠCH