Tiềm năng phát triển du lịch, văn hóa
Hòa Bình có rất nhiều phong cảnh tráng lệ, dòng sông Đà đã đi vào thơ ca, hồ Hòa Bình ví như một "Vịnh Hạ Long trên núi", động Tiên Phi với dải nhũ đá tựa bóng dánh nàng tiên trong tư thế bay bổng và di tích lịch sử, văn hóa cùng kho tàng di sản đặc sắc của các dân tộc.
Mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với địa hình núi đá trùng điệp tạo nên những hang động đẹp với dải nhũ đá. Các địa điểm hút du khách tham quan như khu sinh thái rừng đầu nguồn Núi cô, thác Giăng, vùng hồ Hòa Bình, gồm 47 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Bên cạnh đó, "Văn hoá Hoà Bình" là cái nôi văn hoá của người Việt cổ, gắn với vùng sử thi huyền thoại "Đẻ đất đẻ nước", nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị truyền thống về phong tục tập quán, nếp sinh hoạt thường ngày, trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ, tạo nên bản sắc văn hóa. Cụ thể như lễ hội Đình Mường Trại, Đình Ngòi xã Sủ Ngòi, lễ Cấp sắc của người Dao xã Thống Nhất...
Toàn thành phố có 8 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận, trong đó, nhà tù Hòa Bình, nơi ghi dấu tội ác của thực dân; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình với Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là di tích được công nhận cấp quốc gia; Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình - địa điểm Bác Hồ về thăm; chùa Hòa Bình Phật Quang, bảo tàng di sản văn hóa Mường, bảo tàng không gian văn hóa Mường, hồ công viên tuổi trẻ, được công nhận di tích lịch sử.
Năm 2017, tổng lượng khách đến Hòa Bình là 615.000 lượt người, trong đó khách quốc tế là 69.000 lượt, trong nước là 546. 000 lượt, doanh thu đạt 145 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động du lịch đạt 261 tỷ đồng.
Thành phố đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch của tỉnh, là điểm đến thân thiện và an toàn hấp dẫn du khách. Phấn đấu đến năm 2020, thành phố sẽ đón một triệu lượt khách, trong đó có 100.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đạt 350 tỷ đồng…
Tỉnh xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đa dạng sản phẩm du lịch gắn với phát huy văn hóa, tiềm năng, lợi thế của địa phương và xây dựng nông thôn mới. Phát triển dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe; tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch thể thao, hội thảo, dịch vụ du lịch cộng đồng, kinh tế ban đêm. Chú trọng khai thác thị trường vùng Thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước, quốc tế. Đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, đặc biệt là liên kết với TP Hà Nội, TP HCM và nước ngoài để mở rộng thị trường thu hút khách, thúc đẩy phát triển du lịch.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, văn hóa và con người Hòa Bình, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. UBND tỉnh cũng chỉ đạo tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh; gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa.
Theo đó, tỉnh chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động quản lý, phát triển thị trường văn hóa gắn với thu hút đầu tư phát triển du lịch từng bước được đẩy mạnh.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ngày 12/4/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Trong đó, đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; đầu tư cho phát triển các làng nghề, dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch. Hiện, tỉnh đang mời gọi, thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch để hình thành các khu, điểm du lịch có chất lượng cao, trọng tâm là phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và các địa phương có tiềm năng như Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn chia sẻ, việc xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội; nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, du lịch được nâng lên, hình thành nhiều phong trào văn hóa, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hotline
0385.28.28.28
Góp ý
0385.666.666
TRỌN CHỮ TÍN - VẸN CHỮ TÂM
CÔNG TY CỔ PHẦN ABTLAND
Mã số doanh nghiệp: 5400535672
Thị Trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình
TRIẾT LÝ KINH DOANH CỦA ABT
THẬT TÂM - TRUNG THỰC - CÔNG KHAI - MINH BẠCH